Thứ Hai, 17 tháng 3, 2014

VỀ TẬP THƠ “ĐƯỜNG TỐNG THƠ BỐN CÂU” - BẢN DỊCH CỦA CỤ BÙI HẠNH CẨN.

VỀ TẬP THƠ “ĐƯỜNG TỐNG THƠ BỐN CÂU” - BẢN DỊCH CỦA CỤ BÙI HẠNH CẨN.
(chép lại bài đăng ở blog NoiLieuhaha)
     gày tết Giáp Ngọ, tôi đến thăm cụ Bùi Hạnh Cẩn, được cụ cho xem bản gốc tập ĐƯỜNG TỐNG - THƠ BỐN CÂU mà cụ dịch từ năm 2010 theo tài liệu được một người bạn chuyển cho. Khi hỏi “cụ có cho phép chuyển định dạng để đưa giới thiệu trên mạng Internet hay không”, cụ vui lòng cho phép và trao đổi cởi mở rằng bây giờ cụ đã 97 tuổi rồi, chẳng có thời gian và sức lực để lo chuyện xuất bản nữa, nếu tôi muốn đưa công khai cho nhiều người thưởng thức cũng được. (Tất nhiên chỉ để xem thôi, người nào muốn đăng hoặc in thành sách dưới dạng kinh doanh phải được phép của cụ, như luật quyền tác giả của CHXHCN Việt Nam quy định). Được lời như cởi tấm lòng, NL tôi hăm hở đưa về nghiền ngẫm, rà soát lỗi chính tả do chế bản, chuyển đổi định dạng và thiết đặt trang để có thể vừa in thành sách, vừa đưa được lên mạng dưới dạng PDF nhờ trang Slideshare.net như đã từng đưa các tập thơ của Hạt Cát và Nhã My lên blog và facebook. Hôm nay, đến hẹn trả bài, tôi đã hoàn công việc, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc yêu thích thơ 

ũng nói thêm rằng so với bản thảo của cụ Bùi Hạnh Cẩn đưa cho ngày tết, tập thơ này có bớt một số bài thơ Hán Việt trùng nhau (nhưng bài dịch thì khác nhau nên vẫn trình bày đủ) nên chỉ còn 428 bài thơ của 170 tác giả thời Đường Tống thuộc Trung Hoa cổ xưa.
Tập thơ in màu (bìa xanh) và bản thảo của cụ Bùi Hạnh Cẩn Thơ 

Đường luật hay thơ Luật Đường là một di sản văn hóa quý giá không chỉ của người Hán. Thơ Đường Luật có hai mảng lớn có giá trị cao đó là thơ THẤT NGÔN BÁT CÚ (tám câu bảy chữ) và thơ THẤT NGÔN TỨ TUYỆT (bốn câu bảy chữ); Các thể thơ Đường Luật khác như THƠ NĂM CHỮ (ngũ ngôn tứ tuyệt và ngũ ngôn bát cú), thơ YẾT HẬU (ba câu đầu năm chữ, câu cuối chỉ có một chữ) cũng rất có giá trị nhưng không phổ biến bằng hai loại đầu. Trong loại thơ Đường Luật thì thơ BỐN CÂU (như cụ Bùi Hạnh Cẩn gọi loại thơ thất ngôn tứ tuyệt) tuy niêm luật không “niêm” một cách chằng chịt như ở thể thơ THẤT NGÔN BÁT CÚ (người ta nói Thất ngôn tứ tuyệt là Thất ngôn bát cú bỏ đi bốn câu đầu hoặc bốn câu cuối, chỉ còn “niêm” “buộc” giữa câu 2 và 3) nhưng số câu chữ đã giảm đi một nửa khiến việc chuyển tải thông tin một tình cảnh, một sự việc trở nên khó hơn do phải tìm lời diễn đạt sao cho rõ ràng, dễ hiểu và tiết kiệm. Chính vì vậy việc dịch các bài thơ của thể này sang tiếng Việt cho tròn trịa đúng nghĩa đúng vần đúng thể là công việc rất khó nhọc.      Thơ Đường luật rất thịnh hành thời Đường và Tống. Trong một bình chọn được trang mạng http://www.xooob.com công bố năm 2012: Mười nhà văn vĩ đại nhất trong mọi thời đại của Trung Quốc đã có tới 6 nhà văn – thơ thuộc thời Đường Tống, đó là các nhà thơ Lý Bạch (triều Đường, xếp thứ 4 theo thời gian), Đỗ Phủ (Đường; thứ 5), Bạch Cư Dị (Đường; 6), Hàn Dũ (Đường; 7), Âu Dương Tu (Tống; 8) và Tô Thức (Tống; 9).      Có lẽ vì những lý do về đặc điểm thể thơ và thời đại đã nêu trên mà cụ Bùi Hạnh Cẩn đã chọn dịch 428 bài THƠ BỐN CÂU thời ĐƯỜNG - TỐNG.      Trong 442 bài thơ dịch của cụ, một khuynh hướng quán xuyến chặt chẽ đấy là “dịch thơ đúng nghĩa, diễn giải ra tiếng Việt cũng bằng thể thơ Thất ngôn tứ tuyệt với các luật lệ khắt khe về vần luật (cả đối và vần) và niêm luật của thể thơ này”. 
      Đây quả là một việc làm hiếm có đối với một người đã qua tuổi chín mươi như cụ nhưng lại rất vĩ đại vì cụ đã dịch thành công cả tập thơ nổi tiếng và đồ sộ như thế này. Cũng cần nói thêm rằng dịch thơ tứ tuyệt sang tiếng Việt theo thể thơ tứ tuyệt không phải chưa có ai làm, mà ở đây cái hiếm thấy là cụ Buì Hạnh Cẩn đã biên dịch cả tập thơ đồ sộ hơn 400 bài trong một giai đoạn lịch sử Trung Hoa cổ dài hơn 500 năm thành thơ tiếng Việt cùng kiểu và rất thành công.
     Tập thơ chữ Hán này là sản phẩm tinh thần bất diệt của170 tác giả trải hơn 500 năm lịch sử. Ngoài các nhà thơ lớn trong lịch sử Trung Quốc thời đại đó như đã nêu ở trên, chúng ta sẽ được làm quen với nhiều nhà thơ khác là nhà Quân sự (như Cao Biền, Nhạc Phi, Hoàng Sào); các quan lại cao cấp của triều đình Đường và Tống, thương gia, nhà sư, giới nữ lưu… Với những thành phần tác giả phong phú như vậy cho ta một dải nội dung, chủ đề rất đa dạng mới lạ, có lẽ vì thế tạo ra sự ngỡ ngàng thú vị khi chuyển đọc từ tác giả này sang tác giả khác. 
     Đọc thơ Bốn câu mà cụ Bùi Hạnh Cẩn dịch, chúng ta không chỉ bắt gặp và thưởng thức các bài thơ thù tạc “chén chú chén anh” diễn đạt tình cảm của các thi nhân khi gặp nhau, mừng nhau, tiễn nhau khi chia tay về hưu hoặc chuyển đổi sở nhiệm; hơn thế nữa ta sẽ thấy tình yêu say đắm của người xưa, khát vọng công lý, hòa bình, an lạc ở ngay những người cầm quân đi chinh phục hết xứ này sang xứ khác. Cao Biền đã từng đem quân từ phía Bắc đến Long Biên (Hà Nội) đánh thắng quân Nam Chiếu đang chiếm đóng Thăng Long đã phải viết:
                Như kim ám dữ tâm tương ước,                                Bất động chinh kỳ, động tửu kỳ. 
           Cụ Bùi Hạnh Cẩn dịch là:
                 Từ nay ngầm với lòng giao ước,               Không động cờ quân, động rượu cờ.
    Giá những người đang hầm hè độc chiếm biển Đông học thuộc bài học của người xưa Cao Biền thì cũng là phúc đức cho tổ tiên nhà họ, tránh được binh đao cho các dân tộc khác yêu hòa bình và công lý.     
      Khi Truyện Kiều lần đầu dịch ra tiếng Pháp, người Pháp đã nức nở khen câu thơ  
               Vừng trăng ai xẻ làm đôi
   Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường (Nguyễn Du)  
    Nhưng trước đấy hơn ngàn năm, sư cụ chùa Hàn San đã viết:   
          Nhất phiết ngọc hồ phân lưỡng đoạn               Bán trầm thuỷ để, bán phù không
 Cụ Bùi Hạnh Cẩn dịch là   
              Hồ ngọc một vầng hai nửa cắt,
             Nửa chìm đáy nước, nửa ngang không.                        Xuân Diệu khi nói đến làm thế nào để có thơ hay, nhấn mạnh đến hình thức "Thơ phải thật nhiều trăng, thật nhiều mây gió", thì từ ngàn năm trước, nữ sỹ Chu Thục Chân thời Tống đã có cảm nhận thật thú vị với đầu đề bài thơ được cụ Cẩn dịch là VỐC NƯỚC THẤY TRĂNG Ở TAY:
               Vô sự giang đầu lộng bích ba
    Phân minh chưởng thượng kiến Hằng Nga
                ( Các thuỷ nguyệt tại thủ) 
        Cụ Bùi Hạnh Cẩn dịch: 
              Vô sự đầu sông đùa sóng biếc             Trên tay rành thấy dáng cô Hằng
    Cảm nhận thật thú vị và độc đáo, cả người viết và người dịch đều tài!    
     Người Việt chúng ta đã được tiếp xúc với nhiều bài “thơ bốn câu” nổi tiếng thời Đường - Tống được dịch ra tiếng Việt; Đa số các bài dịch đã đi vào lòng người lại là các bài thơ tứ tuyệt được “diễn nôm” bằng thể thơ lục bát hoặc song thất lục bát. Tôi nhớ mãi một bài thơ của Tô Thức “Đùa vui với con”   
      Nhân giai dưỡng tử vọng thông minh, 
        Ngã bị thông minh ngộ nhất sinh.
        Duy nguyện hài nhi ngu thả lỗ,  
      Vô tai vô nạn đáo công khanh*.
Bài thơ được diễn Nôm bằng thể thơ lục bát :                    Sinh con ai cũng muốn thông minh 
         Ta thông minh lại gặp rành gian nan
             Mong cho con cháu ngu tràn
          Ngu càng khỏi nạn lại làm quan to. 
(Cũng không nhớ là bài thơ do ai dịch nữa, đăng báo Nam Phong được sưu tầm lại trong tập “Thơ cười Việt Nam” từ thời bao cấp.) 
      Rồi đến bài thơ nổi tiếng khác là "Phong Kiều dạ bạc" của Trương Kế:
         Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên
         Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
         Cô Tô* thành ngoại Hàn San tự
         Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Cũng được Nguyễn Hàm Ninh (có người cho là của Tản Đà) diễn Nôm bằng lục bát khá thành công
       Trăng tà, chiếc quạ kêu sương,
        Lửa chài, cây bến, sầu vương giấc hồ.
       Thuyền ai đậu bến Cô Tô, 
      Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
   Bản dịch (thật) của Tản Đà cũng là lục bát:                     Quạ kêu, trăng lặn, sương rơi 
         Lửa chài, cây bãi, đối người nằm co
        Con thuyền đậu bến Cô Tô
      Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
Rồi đến bài “Đề Đô thành nam” của Thôi Hộ                   Nhân diện bất tri hà xứ khứ  
      Đào hoa y cựu tiếu đông phong
Cũng được Nguyễn Du diễn nôm thành 
        Trước sau nào thấy bóng người
        Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông.
     Có lẽ dịch thất ngôn tứ tuyệt ra tiếng Việt dùng đúng thể thất ngôn tứ tuyệt theo Đường Luật khó khăn hơn nhưng đấy mới là dịch thơ một cách chính xác và trung thành; cụ Bùi Hạnh Cẩn đã chọn hướng này để dịch hơn 400 bài thơ bốn câu thời Đường Tống và cụ đã thành công. Có vị Tiến Sỹ - nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam của Pháp có nhận xét thú vị, đại ý là ”Dịch thơ chữ Hán của Hồ Xuân Hương ra tiếng Việt thì cụ Bùi Hạnh Cẩn là người dịch chính xác nhất và thành công nhất”. Nhưng cụ Cẩn đâu chỉ dịch riêng thơ của Hồ Xuân Hương. Kỷ niệm “Một ngàn năm Thăng Long - Hà Nội” , khi đã qua tuổi chín mươi, cụ đã dịch tập thơ của Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát và văn của Đoàn thị Điếm, được Nhà xuất bản Văn Học in thành một tập với nhãn sách “THĂNG LONG THI VĂN TUYỂN”, sách dày hơn 300 trang, có tiếng vang mạnh mẽ trong văn giới (xem ảnh dưới cùng của bài viết) .  
    Xin chân thành chúc cụ Bùi Hạnh Cẩn, cây đa cây đề trong làng văn học nghệ thuật Việt Nam sống lâu, sống khỏe về cả thể chất và tinh thần, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm văn hóa đặc sắc cho người, cho đời. 
 Để đọc tập thơ ĐƯỜNG TỐNG THƠ BỐN CÂU trên trang mạng Slideshare.net, theo đường link này: 
Phần 1:
http://www.slideshare.net/honglinhha7/tho-t-bui-hanhcan1-facebook#
Phần 2:
http://www.slideshare.net/honglinhha7/ng-tng-th-bn-cu-phn-2#


* - Công khanh: Bậc quan to
* Cô Tô: Tên cũ của Tô Châu.
Bìa tập thơ ĐƯỜNG TỐNG THƠ BỐN CÂU in màu là ảnh do Hạt Cát chụp một góc Hồ Tây gần nơi cụ Bùi Hạnh Cẩn đang sống và sáng tác.
 
 Mặt sau và trước của bìa sách THĂNG LONG THI VĂN TUYỂN do cụ Bùi Hạnh Cẩn dịch thơ Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát và văn của Đoàn thị Điểm năm 2010; NXB Văn Học 2010.

2 nhận xét: